Hiện nay, nhiều bài viết đề cập là cần phải "tắm trước khi xông hơi" để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người khi xông hơi nhận thấy tắm sau khi xong hoi vẫn khỏe bình thường và lại thuận tiện nữa!
Nên tắm trước hoặc sau khi xông hơi?
Tại sao cần phải "tắm trước khi xông hơi"?
Theo các bài viết được đăng trên báo cùng một số phương tiện truyền thông khác, "sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là bằng nước ấm hay nước lạnh. Các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước, nếu tắm sau xông hơi, chúng sẽ co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, dẫn đến đau nhức cơ thể, tiêu hoá kém và dễ cảm nhiễm bệnh tật, đặc biệt là tạng phổi." Vì vậy, cách tốt nhất là nên tắm trước khi xông hơi. Sau khi xông hơi, chỉ nên lau khô toàn thân.
Nhưng phần lớn mọi người đều thích làm ngược lại???
Bởi vì kinh nghiệm cho thấy "tắm sau khi xông hơi" mang đến người xông cảm giác sảng khoái, sạch sẽ và tiện lợi. Nhưng từ khi thông tin "tuyệt đối không được tắm lại" sau khi xông hơi được đăng trên các phương tiện truyền thông làm người đi xông hơi trở nên khó xử. Tắm trước khi xông hơi thì bị cho là dẫn đến bệnh tật, còn tắm sau khi xông hơi thì thấy dơ dơ và không đã???
Thực tế cách xông hơi phương Tây là "tắm sau khi xông hơi"!
Ở các nước phương Tây, chẳng những là "tắm sau khi xông hơi" mà còn thực hiện tiến trình này nhiều lần. Khi đó, quy trình xông hơi như sau: Tắm sạch –> Bước vào phòng xông hơi –> Ra khỏi phòng xông –> Tắm hoặc bơi! –> Bước phòng xông hơi lần 2 –> Tắm hoặc bơi lần 2!! –> Tiếp tục nếu thấy thoải mái. Bạn có thể tham khảo quy trình này trong bài "Hướng dẫn sử dụng phòng sauna" đã được chúng tôi dịch và giới thiệu trên vienmy.vn.
Tắm sau khi xông hơi ở các nước phương Tây
Quy trình như trên được nhắc đến ở rất nhiều bài viết, tài liệu hướng dẫn xông hơi cũng như được người đi xông hơi ở các nước phương Tây áp dụng. Điều này có nghĩa là việc tắm sau khi xông hơi rất là bình thường, không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đến người xông ở những nước này.
Tại sao có sự khác biệt này?
Theo suy nghĩ riêng của người viết, thứ nhất, do xuất phát điểm của người phương Tây là xứ lạnh. Nhiệt độ môi trường thấp hơn thân nhiệt là bình thường nên việc thay đổi từ thân nhiệt trong quá trình chuyển đổi từ phòng xông hơi ra đến gặp nước hoàn toàn trong khả năng cơ thể cho phép. Trong khi đó, người Việt ở xứ nhiệt đới nên việc thay đổi thân nhiệt nhanh như vậy là không thường gặp nên có thể gây tổn hại cơ thể nếu lúc đó người xông hơi đang yếu.
Thứ hai, cũng có thể là do quan điểm y học cổ truyền phương Đông thường khuyên nên tránh những sự thay đổi quá lớn đến cơ thể như tránh gió, tránh nước lạnh, tránh giận dữ quá mức … để bảo đảm cơ thể luôn khỏe mạnh. Trong khi đó, theo nhận định chủ quan, người phương Tây ít đề cập đến việc này hơn, ngược lại, họ thường xuyên tập luyện chạm các giới hạn để nâng cao sức chịu đựng của cơ thể.
Vậy thì nên tắm thế nào cho đúng khi xông hơi?
Khỏe đẹp khi xông hơi
Một cách dung hòa, đó là:
+ Đối với những người có thể trạng yếu như sau khi sinh, vừa bệnh xông hoặc cảm thấy yếu trong người … thì sau khi xông hơi không được tắm lại, chỉ nên lau khô cơ thể.
+ Đối với những người bình thường, thực hiện tắm trước hoặc sau khi xông hơi như thế nào là tùy thích, miễn là cảm thấy sảng khoái, khỏe mạnh sau khi thực hiện.
Điều quan trong ở đây đó là người xông cần phải tự chú ý đến tình trạng sức khỏe cơ thể của mình để chọn lựa cách và thời gian thực hiện phù hợp nhất, giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn sau khi xông hơi.